Những từ tiếng Việt đến phụ huynh cũng dùng sai
Có rất nhiều phụ huynh đến nay vẫn sử dụng rất nhiều từ sai mà không biết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sai theo. Cùng xem bạn đã sử dụng từ đúng hay chưa nhé.
1. “Sáng lạng” hay “xán lạn”
“Xán lạn” là từ ghép Hán Việt. “Xán” là rực rỡ, “lạn’ là sáng sủa. Do đó từ “Xán lạn” mới là từ đúng.
2. “Độc giả” hay ‘đọc giả’
“Độc giả’ là từ Hán Việt. “Độc” nghĩa là đọc thành tiếng. “Giả’ là người. ‘Độc giả” nghĩa là người đọc. Vì từ “độc” gần âm với từ “đọc” thuần việt nên nhiều người bị nhầm lẫn.
3. “Khuyến mại” hay “khuyến mãi”
“Mại” là mua, “mãi” là bán. “Khuyến mại” là dành cho người mua hàng nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. “Khuyến mãi” là dành cho người bán hàng (đại lý, nhà phân phối,...) để họ tăng cường sản phẩm bán ra. Từ đó sẽ nhận được thưởng từ công ty hoặc nhà sản xuất.
4. “Hội chẩn” hay “hội chuẩn”
“Hội chẩn” là các bác sĩ cùng nhau thảo luận về bệnh nhằm đưa ra kết luận. Từ “hội chuẩn” là sai.
5. “Dành giật” hay “giành giật”
Từ “dành” sử dụng theo nghĩ tích cực như để dành, dành dụm. Từ “giành” dùng với nghĩa tiêu cực như giành giật, tranh giành. Do đó “giành giật” là từ đúng.
6. “Thăm quan” hay “tham quan”
“Tham quan” cũng là một từ Hán Việt, có ý nghĩa tham gia quan sát một địa danh, danh lam thắng cảnh nào đó. Từ “thăm” là từ thuần Việt chỉ sự gặp gỡ, hỏi han, quan tâm. Do đó dùng từ “tham quan” mới là đúng.
7. “Nhậm chức” hay “nhận chức”
“Nhậm chức” là giữ chức, gánh vác, chịu trách nhiệm với chức vụ của mình. “Nhận chức” có nghĩa là nhận lấy chức vụ nhưng không diễn tả được trách nhiệm của người nhận.
8. “Giả thuyết” hay “giả thiết”
Hai từ này đều đúng nhưng dùng trong hoàn cảnh khác nhau.
- "Giả thuyết" được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng;
- "Giả thiết" được dùng để chỉ điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.
9. “Vô hình trung” hay “vô hình chung”
“Vô hình trung” có nghĩa là dù không chủ ý nhưng tự nhiên lại tạo ra hoặc gây ra điều gì đó.
“Vô hình chung” là từ không có nghĩa.
10. “Câu chuyện” hay “câu truyện”
Dùng từ “chuyện” khi nói đến những sự việc được kể bằng miệng.
Dùng từ “truyện” khi sự việc được viết ra và đọc.
Do đó chúng ta sử dụng “câu chuyện”, “kể chuyện”, “nói chuyện” và dùng “truyện đọc”, “truyện trinh thám”, “truyện tranh”,...
11. “Rốt cuộc” hay “rút cục”
“Rốt cuộc” nghĩa là kết quả cuối cùng của sự việc. Từ “rút cục” là từ dùng sai.
12. “Rượu” hay “riệu”
Từ đúng phải là “rượu”, cũng như nhiều người thường nhầm lẫn giữa “con gái rượu” và “con gái diệu” thì “con gái rượu” mới là đúng.
13. “Bắt lọn” hay “bắt nọn”
Làm như đã biết rồi để người nghe chột dạ mà phải nói ra những điều muốn giấu thì gọi là “bắt nọn” chứ không phải “bắt lọn”.
14. “Luyên thuyên” hay “huyên thiên”
“Huyên” là ồn ào, huyên náo, “thiên” là trời.
“Huyên thuyên” là nói nhiều làm ồn ào đến cả trời.
Từ đúng là từ “huyên thiên”.
15. Chẩn đoán hay chuẩn đoán
“Chẩn đoán “là bác sĩ dựa vào triệu chứng để đoán bệnh. “Chuẩn đoán” là từ vô nghĩa.
Từ ngữ tiếng Việt khá phức tạp, do đó việc nhầm lẫn dễ xảy ra. Phụ huynh cũng nên tìm cách sử dụng đúng của các từ để hỗ trợ trẻ trong việc học tiếng Việt. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ nâng vốn từ của mình bằng cách cho trẻ đọc nhiều sách và luyện viết truyện. Nếu được luyện tập trong thời gian dài chắc chắn trẻ có thể cải thiện ngôn ngữ một cách rõ ràng và hiệu quả.