Cách xử lý khi trẻ ăn vạ, những điều cần nhớ

Trẻ con thường được người lớn nuông chiều, bao bọc. Chính vì thế mà các bé nhiều khi đòi gì được nấy, không được đáp ứng là lăn đùng ra nước mắt ngắn, nước mắt dài. Dưới đây là một số các xử lý khi trẻ ăn vạ và những sai lầm người lớn thường hay mắc phải.

Xử lý khi trẻ ăn vạ

Cách xử lý khi trẻ ăn vạ mà cha mẹ cần biết

1. Trẻ đòi mua đồ chơi hoặc quà bánh nơi công cộng

Chắc hẳn các bậc làm cha, làm mẹ không ít lần “muối mặt” với mọi người xung quanh khi con bỗng dưng đứng giữa đường, giữa siêu thị mè nheo đòi mua bánh kẹo hoặc đồ chơi. Một số phụ huynh để con khỏi mè nheo và đỡ ngại liền mua đồ cho con mặc dù thứ đồ đó không cần thiết. Một số khác nhất quyết không mua và ngay lập tức quát mắng con và kéo con đi xềnh xệch, thậm chí đánh con.

Cách xử lý khôn khéo của cha mẹ khi này là:

  • Nói với con “mẹ không mua đồ này cho con được”. Mặc kệ con khóc và đòi (đừng ngại hay xấu hổ với mọi người vì bạn đang rèn con bạn), hãy tiếp tục đi xa nhưng vẫn liếc một cách kín đáo để đảm bảo an toàn cho con và xem thái độ của con.
  • Khi thấy bạn đi, trẻ sẽ nhanh chóng chạy theo bởi trẻ rất sợ bị bỏ rơi. Hãy đón nhận trẻ, lau nước mắt cho trẻ và tiếp tục đi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Mặc dù chuyện này có thể xảy ra vài lần, nhưng nếu bạn cương quyết, trẻ sẽ hiểu rằng như vậy là trẻ sẽ không được đáp ứng, ăn vạ không hề có tác dụng.

2. Trẻ ăn vạ ở nhà

Khi ở nhà, trẻ cũng có thể mè nheo đòi cha mẹ theo ý của mình và khóc. Bạn càng dỗ dành, trẻ sẽ càng khóc to (có khi còn không hề chảy nước mắt).

  • Việc đầu tiên, hãy bế con vào phòng hoặc một vị trí kín đáo không ai có thể can thiệp.
  • Để trẻ ngồi đó một mình (nhưng phải đảm bảo an toàn, trẻ không bị quá nóng hoặc quá rét).
  • Đóng hé cửa phòng hoặc cha mẹ đi khuất tầm nhìn của trẻ, cha mẹ có thể tiếp tục làm công việc còn dang dở của mình, nhưng không được quá xa con để có thể trông chừng con.

Khi trẻ khóc chán, không có ai đoái hoài tới, trẻ sẽ tự nín. Điều trẻ chờ đợi, mong mỏi sẽ không phải là thứ đã đòi trước đó mà là sự quan tâm của cha mẹ. Do đó, khi thấy con chỉ còn rưng rức, cha mẹ có thể vào gọi con ra ăn cơm, hoặc đi cùng mẹ làm việc gì đó, trẻ sẽ theo ngay.

3. Trẻ không chịu ăn cơm

Cuộc chiến ăn uống của trẻ khá vất vả. Dù trẻ không khóc ăn vạ nhưng thái độ nhởn nhơ không ăn, nghịch ngợm đồ ăn của chúng cũng khiến cha mẹ khó chịu không kém. Bạn có thể thực hiện theo cách:

  • Trước hết dọn đồ ăn cho trẻ ra bàn, có thể bàn riêng hoặc bàn chung với bố mẹ.
  • Nếu trẻ đã hiểu lời cha mẹ, hãy nói con chỉ có 20 phút để ăn. Con cần ăn nhanh để bố mẹ dọn
  • Sau 20 phút, dù con chưa ăn hết, cha mẹ cũng cần dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ bàn ăn. Không cho trẻ ăn bất cứ đồ ăn nào khác ngoại trừ uống nước cho đến bữa ăn tiếp theo.

Lặp lại quy trình đó nhiều lần, trẻ sẽ nhận ra rằng nếu mình không ăn mình sẽ bị đói. Cũng có thể do trẻ biết cảm nhận đói nên sẽ ăn ngoan ngoãn hơn.

4. Trẻ ăn vạ đòi theo mẹ hoặc ai đó

Mỗi lần cha mẹ đi làm hoặc đi đâu trẻ thường ăn vạ và đòi theo. Nhiều người thường sẽ để người nhà dụ trẻ đi đâu đó rồi trốn đi. Tuy nhiên đó không phải là cách lâu dài bởi những lần sau trẻ sẽ không dễ bị dụ như thế.

Nếu muốn đi đâu, cha mẹ nên nói thật với trẻ và nói rằng mẹ sẽ sớm về. Mẹ cũng có thể dặn trẻ ở nhà hoàn thành tốt việc gì đó như: con ở nhà quét nhà giúp mẹ, tưới hoa cho mẹ, đi chợ cùng bà,... để trẻ phân tán bớt tư tưởng.

Những lưu ý khi xử lý trẻ ăn vạ

Việc xử lý khi trẻ ăn vạ không phải khi nào cũng như ý muốn của cha mẹ bởi rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như: ông bà bênh vực cháu, người ngoài nhìn ngó chỉ trỏ,... Tuy nhiên, cha mẹ cần có chính kiến và nên chú ý các điều sau để việc rèn con đạt hiệu quả.

  • Ra quy tắc với mọi người trong gia đình: Khi bạn rèn con, không ai được can thiệp, kể cả ông bà bởi ông bà hay xót cháu, chiều cháu nên hay bênh vực.
  • Khi thực hiện để trẻ lại một mình, hãy chú ý đảm bảo trẻ được an toàn.
  • Nếu trẻ biếng ăn, tuyệt đối không cho trẻ ăn vặt giữa các bữa để tránh ngang dạ.

Cách tốt nhất để không phải xử lý khi trẻ ăn vạ chính là làm sao để con không ăn vạ. Chẳng hạn muốn trẻ không ăn vạ đòi mua đồ chơi, cha mẹ nên đặt ra các quy định từ sớm như:

  • Cha mẹ chỉ mua đồ chơi cho con vào dịp đặc biệt như: sinh nhật, quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Tết, hoặc khi con đạt thành tích tốt của cả năm học.
  • Nếu muốn mua đồ chơi, con phải tự làm việc để kiếm tiền. Những công việc đó cha mẹ có thể giao vừa sức với trẻ hoặc ra điều kiện về việc học tập.
  • Nếu con mua 1 đồ chơi mới, mẹ sẽ bỏ của con một đồ chơi và con phải lựa chọn. Có những món đồ chơi trẻ rất yêu thích, không muốn bỏ đi nên cũng không còn đòi bố mẹ mua đồ mới nữa.

Để rèn trẻ không ăn vạ, cha mẹ sẽ phải mất khá nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải cứng rắn trước nước mắt của con, không vì con khóc mà thỏa hiệp. Nếu đòi được dễ dàng, trẻ đủ thông minh để biết rằng nước mắt chính là vũ khí lợi hại của chúng. Khi ấy, cha mẹ sẽ tốn thời gian trong việc rèn giũa lại từ đầu.

Bạn cần thuê gia sư

Tin tưởng chọn GrowGreen

An tâm về chất lượng gia sư!

Trung tâm gia sư GrowGreen

Với kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và công nghệ quản lý hiện đại, GrowGreen cung cấp cho phụ huynh và học viên dịch vụ gia sư chất lượng nhất.

  • Tuyển chọn gia sư chặt chẽ
  • Chuyên nghiệp, chất lượng
  • Chính sách học thử 2 buổi

Xem thêm về Trung tâm gia sư GrowGreen