Dạy trẻ phân biệt bạn tốt, bạn xấu
Những người bạn luôn có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tính cách của một người, đặc biệt là những đứa trẻ chưa trưởng thành. Vậy làm sao để giúp con phân biệt bạn tốt, bạn xấu, nên chọn bạn để chơi như thế nào?
Thế nào là bạn tốt, thế nào là bạn xấu?
Trẻ thường chọn bạn một cách vô tư, và đôi khi không phân biệt được bạn tốt, bạn xấu. Hãy đưa ra lời khuyên cho trẻ: đừng kết bạn vô tội vạ, ai cũng chơi, ai cũng giúp đỡ, nhưng cũng đừng “kén cá chọn canh”, đòi hỏi quá nhiều ở bạn của mình.
Thế nào là bạn tốt?
- Biết trân trọng tình bạn: Một người bạn tốt là luôn đối xử chân thành với trẻ, không vì lợi ích mà trẻ mang lại, cho họ dù trẻ có không học giỏi hay gia đình không khá giả.
- Thường xuyên động viên và khích lệ: Những khi trẻ gặp khó khăn như bị điểm xấu hay cảm thấy buồn, người bạn đó luôn động viên để trẻ vui vẻ hơn, cố gắng hơn.
- Đưa ra những lời khuyên tốt: Người bạn tốt sẽ không lôi kéo trẻ vào những thói quen xấu, không rủ trẻ trốn học đi chơi, rủ trẻ lấy trộm đồ, rủ trẻ la cà quán xá hoặc cố tình làm sai quy định của trường lớp.
- Chia sẻ những điều tốt: Khi có gì tốt hay thú vị, người bạn đó không ngại chia sẻ với trẻ. Chẳng hạn như có đồ ăn ngon, có đồ chơi đẹp, có quyển sách hay,... họ đều không dấu giếm.
- Có nhiều thói quen tốt: Một người bạn có nhiều thói quen tốt, cư xử đúng mực, ngoan ngoãn, chăm học,... sẽ giúp trẻ tiến bộ hơn, học được những thói quen tốt đó.
Bạn xấu có những đặc điểm gì?
Bạn xấu là những người sẽ có ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống, sự phát triển của trẻ. Bạn xấu có thể khiến trẻ khó chịu hoặc gây ra nhiều phiền toái. Dưới đây là những đặc điểm của bạn xấu mà trẻ nên tránh xa:
- Thường xuyên có thói hư tật xấu: Những người bạn có nhiều thói xấu như lười học, nói tục chửi bậy, thiếu lễ phép,... sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm những thói xấu đó.
- Ganh tị với thành tích trẻ đạt được: Họ không chúc mừng thành tích của trẻ, ngược lại ganh tị và kể xấu trẻ.
- Thường xuyên nói xấu trẻ với người khác: Những người này luôn tìm ra nhược điểm của trẻ để đi kể với người khác. Họ muốn mọi người xa lánh, không chơi với trẻ.
- Luôn chỉ nhận mà không bao giờ chia sẻ: Họ luôn tìm cách nhận mà không chịu cho đi. Họ luôn đợi bạn làm bài xong để chép, luôn ăn đồ ăn, chơi đồ chơi của trẻ nhưng không bao giờ chia sẻ lại.
- Không tôn trọng bí mật: Họ mang mọi bí mật của trẻ để kể với mọi người. Trong khi chính họ đã hứa sẽ giữ bí mật.
Hãy dạy con trở thành người bạn tốt của người khác
Cha mẹ thường dạy con cần “chọn bạn mà chơi”, vì thế, để chọn được những người bạn tốt, trẻ cũng cần trở thành một người tốt. Cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ:
- Luôn phải đối xử với các bạn một cách chân thành.
- Không nên tiết lộ bí mật của bạn, không nói xấu bạn.
- Biết chia sẻ với bạn bè, không nên giữ riêng cho mình.
- Tôn trọng các bạn, có tinh thần cầu thị với những bạn giỏi hơn mình.
- Không được ganh tị, tìm cách chơi xấu bạn bè.
- Không đòi hỏi quá cao từ bạn, tình bạn phải có sự cho- nhận từ 2 phía.
Một người bạn tốt không chỉ cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với trẻ mà còn giúp trẻ tiến bộ hơn. Trẻ có một người bạn tốt, việc giáo dục trẻ cũng trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn.